Tìm kiếm

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

Mỏ đồng Tụ Long trong Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển XXXVII

Mậu Thân, năm Bảo Thái thứ 9 (1728). (Thanh, năm Ung Chính thứ 6).
Nhà Thanh trả lại xưởng đồng Tụ Long.

Trước đây, nước ta cùng nhà Thanh lập giới mốc hai bên ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng), còn núi Tụ Long ở nước ta vẫn bị mất về nhà Thanh, thổ ti nhà Thanh đặt quan ải để đánh thuế.

Đất ở biên giới nước ta bị mất 40 dặm, triều đình đã nhiều lần làm văn thư tâu bày biện bạch việc này, vua nhà Thanh hạ sắc văn dụ bảo quan địa phương bàn luận riêng về việc lập giới mốc, một mặt hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái, tổng đốc Vân-Quý (Vân Nam, Quý Châu), khám xét lại.

Nhĩ Thái lại nghe theo lời viên quan phái ủy của nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, rồi hắn tâu với vua nhà Thanh là nước ta xâm chiếm đất của phủ Khai Hóa, không chịu giao trả, vua nhà Thanh hạ sắc văn dụ bảo nước ta phải theo lời trả lại.
Nhĩ Thái làm tờ tư cho chạy trạm đến địa đầu biên giới Tuyên Quang. Nhưng Hoàng Văn Phác (thổ mục giữ quan ải) dùng lời lẽ kháng cự, không chịu tiếp nhận tờ tư, kéo dài đến 5, 6 ngày.

Nhĩ Thái ngờ nước ta có mưu kế gì khác chăng, hắn lập tức tư sang tỉnh Quảng Tây chia địa điểm phòng bị nơi biên giới.
Một mặt hắn lại đem việc này tâu về triều đình nhà Thanh và xin điều động binh mã ba tỉnh để phòng bị biên giới, nhưng vua nhà Thanh không y cho.
Liền đó, vua nhà Thanh sai bọn Hàng Dịch Lộc- Tả đô ngự sử, và Nhậm Lan Chi- Nội các học sĩ, đi thẳng sang nước ta tuyên bố chiếu chỉ để hiểu dụ, nhân đấy xem xét sự động tĩnh.

Khi bọn Dịch Lộc ra đi chưa đến nước ta, thì ngay lúc ấy, quốc thư nước ta đưa sang nhà Thanh từ trước chợt đến Yên Kinh, trong quốc thư giãi bày “lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời”, vua nhà Thanh xem quốc thư, rất lấy làm vui lòng và khen ngợi, lập tức sai viết sắc văn khác, lại giao cho bọn Dịch Lộc đưa sang nước ta tuyên bố dụ bảo, trong sắc văn nói về việc tra ra đất xưởng đồng 40 dặm, nay giao trả lại.

Lúc ấy, biên giới phương bắc cảnh giới nghiêm ngặt, nên bên nước ta trong kinh ngoài trấn có ý nghi ngờ sợ hãi, nhưng Trịnh Cương quyết đoán, cho rằng, có lý nào không hấn khích gì mà lại sinh sự được, bèn nghiêm sức cho quan lại giữ biên giới, không được hành động càn rỡ.

Tháng 6, Dịch Lộc đến Đông Đô, quả nhiên giao trả lại đất cũ nước ta, lại lập giới mốc ở sông Đỗ Chú.

Về nghi lễ tiếp nhận sắc văn của vua nhà Thanh, Dịch Lộc lại yêu cầu cử hành nghi lễ 3 lần quỳ 9 lần vái, triều đình cũng miễn cưỡng nghe theo.

Sau đó, sai Tả Thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận và Tế tửu Nguyễn Công Thái đi lên Tuyên Quang nhận đất và lập giới mốc. Thổ ti phủ Khai Hóa muốn ăn chặn lấy các sách ở Bảo Sơn, nên chỉ láo chỗ khác là sông Đỗ Chú. Công Thái biết là gian trá, liền xông pha lăn lộn những nơi lam chướng hiểm trở, đi trải qua các xưởng bạc, xưởng đồng, nhận ra đúng chỗ sông Đỗ Chú, bèn dựng bia ở nơi giáp giới.

Từ đấy việc cương giới hai bên mới được ấn định.

Lời phê: - Đạo làm bầy tôi phải như thế.[Lời phê này có ý khen Nguyễn Công Thái chịu khó lăn lộn tìm được đúng chỗ sông Đỗ Chú.]

Lời chua: -Núi Tụ Long: Ở địa phận xã Tụ Long, châu Vị Xuyên, nay chia đặt lại, nên núi ấy thuộc huyện Vĩnh Tuy. Khoáng sản trong núi có đá nam châm và đồng đỏ, lại có chỗ lẫn ngân sa nữa, nên cũng gọi là xưởng bạc.

Sách Nhất thống chí của nhà Thanh chép: “Năm Ung Chính thứ 6 (1728), tổng đốc Vân Nam xin tra xét rõ địa giới nước An Nam, phụng chỉ dụ đặc ân cho nước An Nam 40 dặm đất. Bèn lấy sông Đỗ Chú ở vịnh Bạch Mã làm giới mốc”.

Sách Đông hoa lục của Tưởng Lương Kỳ chép: “Tháng 4, năm Ung Chính thứ 3 (1725), tổng đốc Cao Kỳ Trác tâu: Cương giới nước An Nam có 120 dặm thuộc cảnh thổ cũ của nội địa5, nước ấy dâng sớ biện bạch, bèn hạ lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái, là đốc thần tiếp nhậm khám xét lại cho được chính xác, rồi giao trả lại 80 dặm ở dưới núi Xưởng Chì (Diên Xưởng).
Quốc vương nước ấy lại dâng sớ biện bạch, nên tháng 9, năm thứ 5 (1727), triều đình sai Nhậm Lan Chi, Nội các học sĩ, cùng với bọn Hàng Dịch Lộc, Tả đô ngự sử, đi dụ bảo.
Khi chưa đến nơi, thì quốc vương dâng tờ biểu tạ ơn, triều đình lại đem 40 dặm đất mà Nhĩ Thái tra ra được trả lại cho quốc vương, và làm sắc dụ giao bọn Hàng Dịch Lộc đem sang tuyên đọc.
Đại lược sắc văn nói: Trẫm thống trị thiên hạ, phàm những nước đã liệt vào phiên phong thì dầu một thước đất không chỗ nào là không phải đất đai do trẫm chủ tể, can chi phải so đo 40 dặm đất nhỏ bé ấy làm gì? Mới đây, Ngạc Nhĩ Thái đem bản tâu của quốc vương10 tiến trình, lời lẽ ý tưởng trong bản tâu tỏ lòng cung kính, trẫm rất vui lòng khen ngợi. Vả lại, 40 dặm đất ấy nếu thuộc vào Vân Nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An Nam thì vẫn là ngoại phiên của trẫm, không có
một chút gì phân biệt cả. Vậy chuẩn cho đem đất ấy ban thưởng quốc vương được đời đời giữ lấy”.

Bia đá: Nay ở địa phận xã Tụ Long, huyện Vĩnh Tuy. Hai bờ phía nam-phía bắc sông Đỗ Chú đều có bia đá.
Văn bia ở bờ phía nam [do bọn Nguyễn Huy Nhuận dựng, lời văn như thế này]:
“Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ.
“Ngày 18 tháng 9, năm Ung Chính thứ 6 (1728). Chúng ta là: Nguyễn Huy Nhuận, Tả Thị lang bộ Binh, và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc tử giám, được triều đình ủy sai, vâng theo chỉ dụ, lập bia đá này”.
Văn bia ở bờ phía bắc [do bọn Ngô Sĩ Côn dựng, lời văn như thế này]:
“Khai Dương1 ở xa tận một góc trời, tiếp giáp với đất đai Giao Chỉ. Tra trong sách vỡ ghi chép lại, thì giới mốc chỗ đất này phải ở vào sông Đỗ Chú cách phủ trị Khai Hóa 240 dặm về phía nam. Chỉ vì về sau giới mốc lẫn lộn, viên quan do triều đình phái ủy khám xét tâu xin lập giới mốc ở núi Xưởng Chì (Diên Xưởng sơn). Hoàng thượng ta ân uy rộng khắp phương xa, nghĩ giao chỉ đời đời giữ đạo cung kính thuận theo, cả ban cho dụ chỉ, lại đem 40 dặm đất tra xét ra được, để trả lại cho.
“Bọn Sĩ Côn chúng tôi, tuân theo tờ hịch của bộ viện quan tổng đốc Vân Quý [Vân Nam, Quý Châu] ủy thác, nên ngày mồng 7 tháng 9, chúng tôi hội đồng với bọn Nguyễn Huy Nhuận, viên quan phái ủy của nước Giao Chỉ, công đồng bàn định, lấy con sông nhỏ ở phía nam vịnh Bạch Mã làm giới mốc. Chỗ này tức chỗ mà trong tờ tâu của quốc vương gọi là sông Đỗ Chú đấy.
“Vậy chúng tôi tuân theo dụ chỉ, lập nhà bia giới mốc ở phía bắc sông. Từ đây biên cương bền vững lâu dài, ức muôn năm được đội ơn không bao giờ mai một.
“Ngày 18 tháng 9, năm Ung Chính thứ 6.
“Chúng tôi là: Ngô Sĩ Côn, giữ chức tri phủ Khai Hóa và Vương Vô Đảng, giữ chức du kích trung doanh trấn Khai Hóa, kính dựng bia đá này”.

Khai Dương: Vì xưởng đồng ở phía nam phủ Khai Hóa, nên gọi là Khai Dương.
Công Thái: Người xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ tông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét